Việt Nam

Sinh viên Đại học Đông Á “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc”

Với mục đích đồng hành cùng sinh viên trong việc phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật và đưa nghệ thuật vào đời sống, tối 18/1/2016, ĐH Đông Á đã kết hợp với “Toa Tàu” để tổ chức hoạt động giao lưu “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc”. Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 200 sinh viên đến từ ĐH Đông Á và các trường ĐH khác trong thành phố.

Lớp học không có ai vẽ xấu    

Lấy cảm hứng từ toa tàu hạnh phúc của trẻ em Nhật Bản trong tác phẩm “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” (Kuroyanagi Tetsuko), Tổ hợp học tập sáng tạo có tên gọi Toa Tàu đã được ra đời vào cuối năm 2014, từ đó bắt đầu hành trình chuyển tải thông điệp sống tích cực thông qua nhiều lớp học nghệ thuật, mà nổi bật nhất là các lớp vẽ kể chuyện. Tối 18/1/2016, hơn 200 sinh viên Đại học Đông Á đã cùng nhau bắt toa tàu “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc” của “anh Bút Chì”.

“Người lái tàu” Đỗ Hữu Chí (nghệ danh Bút Chì) bắt đầu buổi seminar bằng câu chuyện của chính mình từ thuở còn là chàng sinh viên kiến trúc loay hoay tìm kiếm định hướng tương lai, đến khi sang Mỹ học Thạc sĩ chuyên ngành truyện tranh với học bổng Fulbright danh giá, và sau cùng là trở về Việt Nam mở các lớp vẽ kể chuyện – nơi mà học viên không cần phải có năng khiếu, không cần biết vẽ, bởi vẽ chỉ đơn giản là để kể chuyện. Ngay trong buổi hội thảo, các bạn trẻ đã cùng nhau vẽ người đối diện bằng tay phải, tay trái, vẽ mà không nhìn giấy và sau cùng là vẽ lại nhân vật ấy trong tưởng tượng.

Tiếp theo, để dẫn dắt các bạn sinh viên đến với đề tài “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc”, họa sĩ Bút chì đã kể với các bạn về bản nhạc “Imagine” được nghệ sĩ người Đức chơi trên đường phố Paris vào buổi sáng sau khi xảy ra vụ nổ súng ở nhà hát Bataclan, về cái cách mà trang Fanpage “Humans of New York” đã chạm được vào trái tim của hàng triệu người trên thế giới, thông qua chuyện đời của những phận người bình thường nhất trong xã hội Mỹ. Cũng qua những câu chuyện này, rất nhiều các bạn sinh viên cũng đã chia sẻ với quan điểm của diễn giả, rằng “Nghệ thuật chính là cái khoảnh khắc bạn nắm bắt và diễn tả được cảm xúc của mình qua nét vẽ”. Và đã là cảm xúc thì không có chỗ cho những đánh giá xấu, đẹp.

Thanh Thảo (sinh viên khoa Điều dưỡng, Đại học Đông Á) cho hay: “Tuy vẽ không đẹp nhưng từ nay em sẽ vẽ lại mọi thứ để phục vụ những mục đích khác nhau, chẳng hạn như khi học bài, vì đây cũng là cách giúp nhớ bài nhanh hơn”.

Nghệ thuật là chiếc cầu nối về miền hạnh phúc

Qua buổi hội thảo, rất nhiều cá tính nghệ thuật đã được khai phá, nhiều những suy nghĩ của các bạn sinh viên về giá trị của nghệ thuật và cả sự cần thiết của tính kỷ luật trong nghệ thuật đã được thảo luận hăng say. Tất cả mọi người đều đồng lòng rằng nghệ thuật phải đóng vai trò của chiếc cầu nối, dẫn dắt con người ta về miền hạnh phúc.

Anh Bút Chì nhắn nhủ “Nếu một ngày nào đó bạn có ý nghĩ rằng cuộc sống này buồn quá thì đừng nghĩ là cuộc sống có lỗi khi làm cho bạn buồn. Chính bạn là người có lỗi vì cuộc sống ngoài kia còn đầy những chuyện vui, quan trọng là bạn có muốn nắm bắt và cảm nhận những niềm vui ấy hay không”. Để minh họa cho thông điệp tích cực này, anh Bút Chì đã chia sẻ với khán giả những thước ảnh sống động đang được trưng bày trong buổi triển lãm “Không buồn được” của nhiếp ảnh gia Maika, đang diễn ra tại Viện Goeth, Hà Nội.

Chiến Hữu (sinh viên năm 3 khoa Kinh tế Du lịch, Đại học Đông Á) cho biết: “Buổi nói chuyện của anh Bút Chì đã giúp em chắc chắn hơn với quan điểm nghệ thuật của mình. Nghệ thuật có thể là bất cứ điều gì đó trong cuộc sống, từ một chiếc lá, một đôi bàn chân hay một thông điệp sâu sắc… Tóm lại, để có một cuộc sống màu sắc hơn, cần phải luôn để ý quan sát và cố gắng giữ cho mình sự nhạy cảm trước nghệ thuật”.

Cùng chia sẻ với quan điểm của Chiến Hữu, Văn Minh (sinh viên năm cuối khoa Báo chí, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đưa nhận xét: “Đây là một buổi seminar khá thú vị và phù hợp với định hướng cho sinh viên. Lâu nay cứ tưởng nghệ thuật là những điều cao siêu lớn lao, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Có thể khi tâm hồn xao động thì chúng ta muốn hát, khi thấy cảnh đẹp thì ta phác họa và khi thấy khoảnh khắc đẹp thì chụp lại một tấm hình để lưu niệm. Và sau cùng, nếu cảm nhận được nghệ thuật, tâm hồn ta sẽ được trẻ ra và ta sẽ hạnh phúc hơn. Hi vọng sẽ có nhiều buổi seminar chuyên đề như thế này, để không chỉ sinh viên Đông Á mà sinh viên Đà Nẵng như tụi em cũng có thể gặp gỡ, trao đổi với nhiều anh chị có câu chuyện nghề thú vị như anh Bút Chì”.

Với mục tiêu hỗ trợ sinh viên phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật và đưa nghệ thuật vào đời sống, Đại học Đông Á thường xuyên tổ chức những hoạt động văn thể mỹ và các cuộc thi, hội thảo thu hút được sự chú ý của dư luận trong thành phố. Với sự tham dự của hơn 200 sinh viên Đại học Đông Á và cả các trường Đại học khác trong thành phố, buổi thảo luận “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc” đã diễn ra vô cùng sôi nổi, kéo dài quá thời lượng chương trình những 30 phút mà các bạn trẻ vẫn say mê hỏi đáp và chia sẻ những suy tư của mình về nghệ thuật. Đây là chương trình đầu tiên trong chuỗi các sự kiện của nhà trường trong năm 2016.