Di trúDu học

Du học Úc: Những thay đổi về luật lệ di trú

Những tin vui cho du học sinh muốn xin định cư diện tay nghề tại Úc sau khi tốt nghiệp, làm sao để biết điều kiện được đánh giá tay nghề, làm sao trình bày kinh nghiệm làm việc?

Thay đổi trong chính sách định cư diện tay nghề
Đối với các bạn du học sinh mong muốn được định cư tại Úc theo diện tay nghề, thông thường các bạn gặp hai trở ngại lớn nhất:

Ngành học mình yêu thích thì không có trong danh sách tay nghề định cư SOL hoặc là CSOL
Nếu đã có bằng cấp đúng ngành nghề có trong danh sách thì lại không có chứng chỉ tiếng Anh đạt yêu cầu
Những thay đổi liên quan đến hai yếu tố chủ chốt này là điều nhiều các bạn du học sinh đặc biệt quan tâm, nhất là khi có những thay đổi trong chính sách di trú liên quan đến định cư diện tay nghề theo chiều hướng thuận lợi hơn cho các bạn du học sinh.

Bổ sung danh sách tay nghề định cư tại Lãnh thổ Thủ đô Úc
Một số ngành nghề đã được bổ sung vào danh sách tay nghề định cư của Lãnh thổ Thủ đô Úc ACT, chẳng hạn như nghề nhà báo, chuyên viên quan hệ công chúng, chuyên viên kinh doanh và marketing, quản lý nhà hàng, chuyên viên bất động sản, y tá, đầu bếp…

Nam Úc nới lỏng yêu cầu để có PR
Tiểu bang Nam Úc nới lỏng yêu cầu để được visa thường trú cho những du học sinh có thành tích học tập tốt, theo đó, các bạn tốt nghiệp với điểm số cao sẽ được miễn một số đòi hỏi về tiếng Anh và tài chính.

Tuy vậy các sinh viên vẫn phải đạt các yêu cầu về kinh nghiệm làm việc và khả năng tiếng Anh khi xin thẩm định tay nghề và đăng ký hành nghề.

Lưu ý: đây là một điểm rất là quan trọng bởi vì với nhiều ngành, nghề, để nhận được đánh giá tay nghề theo yêu cầu của từng cơ quan đánh giá khác nhau, các bạn vẫn phải thoả mãn yêu cầu về tiếng Anh và kinh nghiệm làm việc.

Chẳng hạn như với nghề nhà báo, journalist, để có được skill assessment, theo yêu cầu của cơ quan đánh giá tay nghề là VETASSESS, các bạn phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc đúng ngành (ngay chỗ này sẽ dễ quay lại cái vòng lẩn quẩn: không có PR thì khó xin việc, không có công việc, cơ hội PR lại càng xa vời).

Citizen-Certificate_resize

Làm thế nào để biết điều kiện được đánh giá tay nghề cho nghề của mình?
Trước tiên các bạn dò tìm danh sách tay nghề định cư SOL hoặc CSOL, kế bên mỗi tên nghề đều có tên tổ chức có thẩm quyền đánh giá tay nghề.

Nhóm nghề Kinh doanh, Tiếp thị, Quảng cáo, Quan hệ công chúng do AIM (Australian Institute of Management) đánh giá tay nghề.

Nhóm nghề trong lĩnh vực Tài chính, kế toán do các tổ chức của ngành kế toán là CPAA/ ICAA/IPA đánh giá.

Trong khi đó, các vị trí kỹ sư được đánh giá kỹ năng tay nghề bởi Engineers Australia.

Nhóm nghề giảng dạy, là các giáo viên từ cấp nhà trẻ đến cấp phổ thông, giáo viên giảng dạy trẻ khuyết tật, do AITSL Australian Institute for Teaching and School Leadership đánh giá.

Y tá do ANMAC (Australian Nursing and Midwifery Accreditation Council) đánh giá.

Mỗi tổ chức đánh giá thì có thể có những yêu cầu khác nhau, nhưng căn bản đều giống nhau ở chỗ bạn phải cung cấp được bằng chứng về việc học tập và kinh nghiệm làm việc của mình.

Lấy ví dụ như tại VETASSESS thì những tài liệu cần thiết cho việc đánh giá tay nghề bao gồm:

Một ảnh theo kích cỡ ảnh hộ chiếu
ID: Có thể là giấy khai sinh hoặc hộ chiếu
Bằng chứng về việc thay đổi tên họ, nếu có
Bằng cấp (Nếu mới tốt nghiệp mà chưa được nhận bằng, thì bạn cần phải có giấy xác nhận đã hoàn thành chương trình học do trường cấp)
Bảng điểm
Bằng chứng về kinh nghiệm làm việc
Làm sao để đưa bằng chứng về kinh nghiệm làm việc?
Để chứng minh kinh nghiệm làm việc, với từng vị trí, bạn cần phải có các giấy tờ chính thức, chẳng hạn như hợp đồng lao động, phiếu lương, hồ sơ thuế, tiền hưu… Những giấy tờ đó phải nêu rõ được tên công ty, tổ chức thuê mướn bạn, thời gian hợp đồng, số giờ làm việc trong tuần, các nhiệm vụ cụ thể trong công việc bạn làm…

Trong trường hợp bạn làm cho công ty của chính mình, tức là self-employed, thì bạn còn phải nộp thêm một số bằng chứng khác để chứng minh rằng đó là một công ty có hoạt động thật sự chứ không phải là bạn chỉ dựng lên trên giấy tờ để có được đánh giá tay nghề. Những bằng chứng đó là hợp đồng với khách hàng hoặc với nhà cung cấp, xác nhận của khách hàng về những dự án, những công việc mà công ty bạn và bạn đã hoàn thành cho họ, trong đó có tên công ty, tên và chức danh của bạn, thời gian thực hiện dự án…

Tin vui cho các bạn sinh viên vừa hoặc sắp tốt nghiệp ngành kế toán
Trong nhiều tháng qua, khi những sinh viên tôt nghiệp ngành kế toán nộp hồ sơ xin thường trú chỉ nhận được thư mời khi có từ 70 điểm trở lên thì trong tháng 2 vừa qua, thư mời đã đến tay những bạn có 65 điểm.

Điều này đã mở ra hy vọng cho những sinh viên ngành này, những người đã có 65 điểm hoặc thậm chí là 60 điểm cho hồ sơ định cư tay nghề của mình.

Bí quyết là trong thời gian chờ đợi để được nhận thư mời từ Bộ Di Trú, các bạn hãy cố gắng để tích lũy thêm càng nhiều điểm càng tốt bằng việc luyện thi IELTS để có kết quả tốt nhất, học thi và lấy chứng chỉ về ngôn ngữ cộng đồng hoặc là hoàn thành năm học chuyên tu Professional Year.

(Nguồn: sbs.com.au)